Balanced Scorecard là gì? Những điều cần biết về Balanced Scorecard?

anh.ly@glints.com

[email protected]

May 12, 2023
balance scoreboard là gì?

Balanced scorecard (gọi tắt là BSC) được nghiên cứu và phát triển bởi hai Giáo sư Tiến sĩ Kaplan & Norton của trường Đại học Harvard vào thập niên 1990. Đây là một hệ thống chỉ số ở tầm chiến lược giúp tổ chức, doanh nghiệp phát triển bền vững và chắc chắn qua cả 4 khía cạnh: tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, học tập & phát triển. Bài viết sau đây sẽ giúp doanh nghiệp hiểu đúng về mô hình BSC để từ đó có thể vận dụng nó vào kế hoạch của mình.

I. Khái niệm Balanced scorecard

Balanced scorecard (BSC) là khái niệm dùng để chỉ một mô hình quản trị chiến lược ở cấp độ cơ bản nhất, giúp định hướng cho doanh nghiệp trong suốt quá trình thiết lập, triển khai, theo dõi và đo lường kết quả của chiến lược đã đặt ra. Trong tiếng Việt, chúng ta có thể dịch nôm na BSC là “thẻ điểm cân bằng”.

Bên cạnh yếu tố tài chính, mô hình BSC còn tập trung đánh giá 3 thước đo phi tài chính khác có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp là: khách hàng, quá trình hoạt động nội bộ, học tập & phát triển.

Ý nghĩa “balanced” (cân bằng) của mô hình thể hiện ở chỗ cân đối giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tài chính và các yếu tố phi tài chính, những chỉ tiêu đầu vào – đầu ra của kết quả, những hoạt động hướng ra xã hội và những hoạt động được thực hiện vì nội bộ.

>>> Tham khảo thêm: Hệ thống erp là gì? Những điều cần biết về hệ thống erp

>>> Tham khảo thêm: Những điều bạn cần biết về Employee Value Proposition – EVP là gì?

>>> Tham khảo thêm: Applicant tracking system là gì? Hoạt động ra sao?

II. Bốn thước đo của mô hình Balanced scorecard

Mô hình BSC tập trung đánh giá 4 thước đo của hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, bao gồm: tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, học tập & phát triển. 4 thước đo này được sắp xếp theo một trật tự nhất định và có ảnh hưởng lẫn nhau từ dưới lên trên theo kế hoạch doanh nghiệp đặt ra từ trước.

1. Thước đo tài chính của mô hình Balanced scorecard

Thước đo tài chính của mô hình BSC bao gồm các yếu tố như: chi phí cố định, chi phí khấu hao, lợi tức đầu tư, lợi nhuận thu về, tốc độ tăng trưởng doanh thu,… Không phải tất cả yếu tố đều dễ dàng đo được ngay sau khi thực hiện, tuy nhiên chúng là sự xác nhận muộn cho hiệu quả của hoạt động đó.

Trước đây, số tiền kiếm được là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu con số này lớn thì nghĩa là doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, còn nếu không thì doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên hiện đại hóa hiện nay, yếu tố tài chính không còn là thước đo duy nhất mà doanh nghiệp cần quan tâm nữa. Bởi vì nó chỉ thể hiện được một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể. Hay nói cách khác, việc thu về rất nhiều tiền không có nghĩa là doanh nghiệp phát triển bền vững, không tồn tại các rủi ro sụp đổ. Vì vậy, bên cạnh tài chính, doanh nghiệp cần quan tâm tới 3 thước đo còn lại của mô hình BSC để có thể dễ dàng định hướng phát triển dài hạn.

2. Thước đo khách hàng của mô hình Balanced scorecard

Thước đo khách hàng được thể hiện qua sự hài lòng của họ đối với doanh nghiệp. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu hiện tại mà còn cả doanh thu thu về ở tương lai. Thước đo này nhằm trả lời câu hỏi: Khách hàng đang thấy như thế nào về doanh nghiệp? Từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đặt ra các kế hoạch liên quan đến sự hài lòng của khách hàng.

Một số câu hỏi mà doanh nghiệp có thể dựa vào để nhận định chính xác nhất về quan điểm đánh giá của khách hàng là:

– Đây có đúng là khách hàng mục tiêu?

– Khách hàng có thích thú với sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp?

– % phản hồi của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm / dịch vụ là bao nhiêu? Có bao nhiêu % tích cực và tiêu cực?

– Khách hàng so sánh như thế nào giữa doanh nghiệp và đối thủ cạnh tranh?

3. Thước đo hoạt động nội bộ của mô hình Balanced scorecard

Dấu hiệu để nhận định một doanh nghiệp hoạt động trơn tru được thể hiện qua nhiều chỉ số nhỏ lẻ như: tốc độ tăng trưởng của quy mô, % nhân viên gắn bó tăng, % thời gian xử lý công vụ được rút ngắn,…

Doanh nghiệp cần rà soát lại các quy trình nội bộ để phân loại đâu là bộ phận đã làm tốt và đâu là bộ phận chưa ổn. Sau đó, hãy đưa các phương pháp khắc phục vấn đề, đồng thời cải thiện các lỗ hổng của quá trình hoạt động nội bộ, đưa chúng vào mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. 

4. Thước đo học tập và phát triển của mô hình Balanced scorecard

Một trong những yếu tố quyết định nền tảng phát triển của doanh nghiệp chính là việc quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực và công cụ hỗ trợ làm việc. Điều đặc biệt ở đây là không có con số cụ thể và giới hạn cao nhất cho thước đo này, mọi tiêu chí đều có thể trau dồi tốt hơn song song với sự phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ.

Bằng việc tập trung xem xét các công cụ, hành động và chính sách có liên quan tới đào tạo nguồn năng lực, năng suất làm việc của nhân viên, doanh nghiệp sẽ nhận được lời trả lời thỏa đáng cho câu hỏi “Làm cách nào doanh nghiệp có thể cải thiện năng suất và tạo ra giá trị?”

Nếu thước đo học tập & phát triển thể hiện kết quả tốt, có nghĩa là doanh nghiệp đang làm tốt công tác đào tạo nhân viên và biết cách áp dụng các công cụ làm việc hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dễ thích ứng hơn với những thay đổi, những điều mới mẻ, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

5. Mối quan hệ giữa các thước đo của mô hình Balanced scorecard

Ban đầu, khi mô hình BSC mới xuất hiện, 4 thước đo tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp kể trên hoạt động độc lập với nhau và doanh nghiệp có quyền lựa chọn thực hiện thước đo này và bỏ qua thước đo khác. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng 4 thước đo này đều có vai trò quan trọng như nhau và có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau rất khăng khít. 

Dựa theo mô hình, quy trình hoàn thiện các thước đo trong BSC (Balanced scorecard) được thực hiện từ dưới lên trên, nghĩa là mỗi thành phần của mô hình được xây dựng bởi một hoặc nhiều mô hình trước đó.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp chú trọng đào tạo nhân lực và xây dựng được một nền văn hoá chia sẻ thông tin hiện đại (Thước đo học tập & phát triển), doanh nghiệp sẽ hoạt động trơn tru và năng suất hơn (Thước đo quá trình hoạt động nội bộ). Sự bền vững trong nền tảng nội bộ đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra giá trị và chăm sóc khách hàng tốt hơn (Thước đo khách hàng). Và tất nhiên, sự hài lòng, ủng hộ của khách hàng dành cho sản phẩm / dịch vụ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp gặt hái doanh thu và lợi nhuận cao.

Tuyển dụng nhân sự thành công không hề dễ dàng. Hãy để Glints giúp bạn!


III. Lợi ích của mô hình Balanced scorecard đối với doanh nghiệp

1. Giúp ích cho việc lập chiến lược

Mô hình BSC cung cấp một bộ khung thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa những yếu tố mục tiêu với nhau, nghĩa là chúng đã đồng thuận với một chiến lược cốt lõi nhất định. Kết quả thực hiện những yếu tố mục tiêu này chính là các mảnh ghép để tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh về chiến lược của doanh nghiệp.

2. Giúp ích cho hoạt động truyền thông doanh nghiệp

Khi đã có một bức tranh chiến lược tổng thể hoàn chỉnh, doanh nghiệp sẽ dễ dàng triển khai kế hoạch truyền thông hơn, bao gồm cả hoạt động truyền thông bên ngoài và truyền thông nội bộ. Mô hình BSC vừa giúp đối tác và nhân viên nội bộ hiểu rõ hơn về nội dung chiến lược vừa tạo ấn tượng và dễ nhớ tới từng ưu điểm, nhược điểm,… của các thước đo doanh nghiệp đang thực hiện.

3. Giúp ích cho việc liên kết các dự án

Khi đã định hình được bộ khung là mô hình BSC, mọi kế hoạch dự án từ nhỏ đến lớn đều có nền tảng và cơ sở chiến lược để dễ dàng xây dựng. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng toàn thể nhân lực đang thống nhất đi chung một hướng mà không có dự án nào bị lãng phí cả.

4. Giúp ích cho công tác lập báo cáo

Doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình BSC để làm đề cương báo cáo tổng quan. Điều này giúp cải thiện hiệu suất báo cáo, tức là giúp cho việc báo cáo trở nên nhanh chóng và tinh gọn hơn, các nội dung được tập trung rõ ràng vào các vấn đề chiến lược quan trọng nhất.

IV. Doanh nghiệp ứng dụng mô hình Balanced scorecard như thế nào?

Trong thực tế, mô hình BSC được sử dụng dưới dạng một phương pháp luận mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Để ứng dụng mô hình này vào thực tế, doanh nghiệp có thể thực hiện theo các bước sau:

– Bước 1. Kiểm soát tính chính xác của dữ liệu trong mô hình BSC.

– Bước 2. Đo lường và đánh giá một cách khách quan và trung thực các mục tiêu.

– Bước 3. Đánh giá hiệu quả định kỳ nhờ vào các chỉ số KPI.

– Bước 4. Kết nối các mục tiêu với nhau, kết nối từ 2 mục tiêu trở lên trong một. thước đo hoặc 1 mục tiêu dẫn tới nhiều mục tiêu khác.

V. Kết luận

Glints mong rằng những thông tin trên hữu ích, giúp bạn và doanh nghiệp của mình hiểu thêm về balanced scorecard. Qua đó, bạn và doanh nghiệp có thể có cho mình 1 kế hoạch phát triển bền vững lâu dài.

Các bạn có thể truy cập vào Glints Blog và trang FaceBook “Glints for Employers VietNam” để xem thêm những bài viết khác về chủ đề nhân sự và tuyển dụng. 

Để nhận tất cả những thông tin và ưu đãi mới nhất từ Glints, bạn vui lòng đăng ký tham gia bản tin của Glints. Xin cám ơn.

Đăng ký nhận thông tin
Đăng ký để nhận những thông tin và kiến thức mới nhất trong ngành về Tuyển dụng, Phát triển doanh nghiệp và Quản trị nhân sự